BY SR. BÍCH THU ON 24/04/2013266 TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG
Đức Giáo hoàng Libêrô sinh tại Rôma trong dòng họ Savelli. Là linh mục, ngài được bầu làm Giáo hoàng ngày 17-5-352 và được tấn phong ngày 24-5-352. Giáo triều của ngài diễn ra với nhiều khó khăn khi phải đối phó với việc hoàng đế Constant đã can thiệp vào nội bộ của Giáo hội, nhất là Constant công khai bênh vực Lạc giáo Ariô và sau đó, hoàng đế Julianô đã bỏ đạo, vì muốn phục hồi tôn giáo đa thần của dân ngoại.
Vào thời kỳ này, các Giám mục theo phái Ariô yêu sách ngài, đòi phải lên án Giám mục Athanasiô. Do đó ngài đã triệu tập Công đồng tại Rôma, trong đó, các Thượng phụ đã bênh vực Athanasiô.
Những cuộc tranh luận với phái Ariô vẫn tiếp tục diễn ra, họ đòi hỏi phải hủy bỏ Kinh Tin Kính của Công đồng Nicêa năm 325. Sau khi được đề nghị, hoàng đế Constant đã cho triệu tập một Công đồng khác tại Arles, qua đó, Constant ép các Giám mục phải lên án Athanasiô và các vị Đặc sứ được ngài gởi tới tham dự. Bất bình và không chấp nhận những nghị quyết của Công đồng Arles, ngài đã cho triệu tập Công đồng tại Milan, nhưng hoàng đế Constant vẫn nhất quyết gây áp lực và đe dọa lưu đày những Giám mục nào chống lại quyết định của mình. Cuối cùng Đức Giám mục Athanasiô bị lên án và Kinh Tin Kính Công đồng Nicêa bị bãi bỏ. Chính cuộc tranh luận chống Lạc giáo Arius tái diễn nảy sinh việc bầu chọn Giáo hoàng giả Felix II. Ngài phủ quyết những quyết định của Công đồng Milanô và chống lại Ngụy Giáo hoàng Felix II nên bị bắt lưu đày ở Pháp. Với áp lực của dân chúng, hoàng đế phải triệu hồi Đức Giáo hoàng Libêrô trở về Rôma với hai điều kiện là phải chấp nhận đồng cai quản Giáo hội với nguy Giáo hoàng Felix do phái Ariô bầu và được hoàng đế bổ nhiệm, đồng thời phải chấp nhận những nghị quyết của Công đồng Milanô với những sai lạc về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài không chấp nhận điều kiện thứ nhất. Nhờ sự ủng hộ của dân chúng, Ngụy Giáo hoàng Felix bị trục xuất, nhưng ngài lại chấp nhận điều kiện thứ hai nên bị các Giám mục như Athanasiô, Hilariô, Jêrôme chỉ trích. Các Giám mục này cho rằng vì bảo toàn tính mạng mà ngài đã chấp nhận những tư tưởng Lạc thuyết của phái Ariô.
Sau khi hoàng đế Constant qua đời, ác mộng của Lạc thuyết Ariô cũng chấp dứt, nhưng hoàng đế Julianô đã bội giáo, muốn tái lập phụng tự đa thần của dân ngoại trong đế quốc, nhưng ý định này đã không thực hiện.
Ngài đã khởi công xây dựng Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma. Theo truyền thuyết, Đức Mẹ hiện ra với ngài trong giấc mơ và bảo ngài xây dựng một thánh đường dâng kính Mẹ. Đêm hôm ấy, đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4-8-352 một trận mưa tuyết lạ lùng đã xảy ra trên bảy ngọn đồi của Rôma. Hai năm sau, đền thờ hoàn tất, được khánh thành và được đặt tên là Đền thờ Đức Bà Cả. Ngài qua đời ngày 24-9-366 và được an táng trong hầm mộ ở Vatican.